I. Tư vấn quyền nuôi con khi ly hôn
Cha mẹ đều có nghĩa vụ bình đẳng với nhau trong việc nuôi dạy con cái, vì vậy sau khi ly hôn cả cha và mẹ đều có quyền nuôi con nhưng có thể chỉ có một người được Tòa xác định là người trực tiếp có quyền nuôi khi ly hôn.
Tuy nhiên với tinh thần bảo vệ quyền lợi cho trẻ em thì pháp luật có những quy định cụ thể cho từng trường hợp.
Đối với thủ tục ly hôn, việc tranh giành hay bác bỏ quyền/nghĩa vụ nuôi con vẫn luôn căng thẳng không kém gì việc phân chia tài sản. Vậy khi ly hôn ai có quyền nuôi con, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần nắm vững quy định của pháp luật để áp dụng vào từng vụ việc cụ thể.
Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 về quyền nuôi con sau khi ly hôn như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
1. Quyền nuôi con khi ly hôn đối với con dưới 36 tháng tuổi
Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền nuôi con khi cha mẹ ly hôn đối với con dưới 36 tháng tuổi như sau: “ Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Như vậy về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi người mẹ sẽ có quyền nuôi con khi ly hôn. Tuy nhiên pháp luật tôn trọng quyền thỏa thuận của cha mẹ sao cho phù hợp với lợi ích của con, hoặc nếu người mẹ không đủ điều kiện để nuôi con thì người cha vẫn được quyền nuôi con.
2. Quyền nuôi con khi ly hôn đối với con trên 36 tháng tuổi
Đối với con trên 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con khi ly hôn được quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con”. Như vậy sẽ có 2 trường hợp:
- Nếu vợ chồng thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn thì tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận của các bên và ghi nhận trong quyết định hoặc bản án ly hôn;
- Nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì tòa án sẽ giao cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ về mọi mặt của con. Trong trường hợp bên nào có yêu cầu nuôi con phải chứng minh được việc đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con.
3. Quyền nuôi con khi ly hôn đối với con trên 7 tuổi
Khi Tòa án giải quyết thủ tục ly hôn, đối với trường hợp con trên 7 tuổi quyền nuôi con khi ly hôn sẽ được xác định dựa trên một căn cứ nữa đó là xem xét nguyện vọng của con. Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định: “nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Nguyện vọng của đứa trẻ sẽ được tòa án xem xét và là một căn cứ quan trọng để tòa án ra quyết định phân xử quyền nuôi con cho người cha hay người mẹ.
II. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.